Đồng Hồ Huy Hoàng Da Cá Hồi Hoang

Đồng Hồ Huy Hoàng Da Cá Hồi Hoang

Từ danh sách bài đã viết bên dưới chọn  → Ghim bài viết

Từ danh sách bài đã viết bên dưới chọn  → Ghim bài viết

Câu chuyện 1: Siêu máy tính và Thế nào là công nghệ?

Tháng 10/1984, Viện nghiên cứu công nghệ quốc gia được thành lập với một loạt các lĩnh vực công nghệ cao, cùng với định hướng ứng dụng. GS Vũ Đình Cự cho rằng “chỉ có doanh nghiệp mới đi đến cùng với công nghệ cao, với ứng dụng công nghệ”. Rồi ông lý giải, các nhà khoa học, nhà chuyên môn chỉ đi được đoạn đầu của bài toán phát triển công nghệ kể cả hàn lâm hay ứng dụng, không có doanh nghiệp đón nhận, ứng dụng và sử dụng thì việc làm công nghệ cũng vô nghĩa.” Khi đó ta chưa có luật doanh nghiệp, nên buộc ông phải thiết lập hệ thống doanh nghiệp để đi tiếp giai đoạn sau phòng thí nghiệm, bây giờ chúng ta hay nói “thương mại hóa kết quả nghiên cứu” và doanh nghiệp ông đề xuất giờ gọi là “doanh nghiệp công nghệ”.

Công ty FPT được thành lập năm 1988 như một bộ phận của Viện Công nghệ Quốc Gia. Thế nên không có gì lạ, ngay sau ngày thành lập, TGB và 6 anh em trong Trung tâm Dịch vụ Tin học ISC, được GS mời lên gặp và giao nhiệm vụ: chế tạo siêu máy tính. Có lẽ là vì năm 1977, các cán bộ của Viện Tin học Việt Nam được sự hỗ trợ của các chuyên gia người Pháp đã chế tạo được chiếc máy vi tính đầu tiên. Nên GS mới mạnh dạn giao nhiệm vụ đó cho chúng tôi. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất, là anh Công, giám đốc ISC bình thản nhận nhiệm vụ.Thế nên sau này Stico mới có bài hát:

Bắt Bình ta làm siêu máy tínhBắt anh Công ngồi méo cả môngLàm không xong thì ông cũng kệ chaNếu mà kêu la là ông giải tán liền

Tuy nhiên, như đã nhắc đến trong chương 1, quốc gia có thể cần chế tạo siêu máy tính còn đối với anh em chúng tôi lúc đó, xuất thân từ nghiên cứu, sau những hào hứng ban đầu, giờ đều muốn làm một cái gì đó thực tế để có thể cứu lấy mình, trong điều kiện đất nước lúc đó còn rất nghèo đói. Và cơ hội đã đến.Hợp đồng phần mềm thương mại đầu tiên của FPT là Hệ thống đặt vé giữ chỗ cho Phòng vé Hàng không Việt nam Hà nội, cuối năm 1990 do Bùi Quang Ngọc, người đã mời anh Công về FPT, chủ trì!Phòng vé máy bay lúc đó có thể coi là một tụ điểm của Hà Nội, bởi vì vé máy bay cực hiếm, nhất là những chuyến đi Nga. Lúc nào cũng đông như hội. Nhóm dự án, ngoài anh Ngọc chủ trì còn có tôi, Đinh Thế Phong, Trần Ngọc Trí, Phan Minh Tâm và Cường. Trí, Tâm là học trò anh Ngọc ở BK. Cường là nhân viên mới từ Đại học Tổng hợp. Mr Phong học từ Tiệp về, có biệt tài cười ha hả, khi nghe mấy ông Tây nói chuyện, làm anh em rất kính nể.Làm việc bài bản lắ, buổi họp đầu tiên là anh Ngọc trình bày về các tình huống xảy ra deadlock trong quản trị dữ liệu. Với công cụ FoxBase, Trần Ngọc Trí đã tạo ra cả một thư viện những hàm giúp cho chúng tôi có thể trình bày màn hình đẹp. Cũng cụp xòe, có shadow, windows, chữ trôi,…

Chương trình được xây dựng trên mạng 10Net được anh Công và Võ Mai nghiên cứu và triển khai từ giữa năm 1989. Mạng này thiết kế kiểu hàng ngang, tốc độ 10M và là niềm tự hào về công nghệ đầu tiên của FPT. Đứng về khía cạnh người dùng, mạng này có một số tính năng lý thú như khả năng chating, mail, BBS. Về khía cạnh quản lý, nó cho phép supervisor kiểm tra toàn bộ access vào mạng thậm chí cả các actions cụ thể như người dùng sử dụng interupt nào,… rất tiện lợi cho việc bẫy lỗi chương trình.Sau này mới thấy là thiết kế này rất không hiệu quả với các traffic lớn và không ai dùng nữa.

Còn nhớ trưởng phòng vé Hà nội lúc đó là chị Phan Hạnh Thỏa, thiếu tá quân đội. Cũng nhờ có công giúp đỡ lớn của chị Thỏa và chị Hòa phó phòng mà chúng tôi mới hoàn thành được chương trình. Đúng ngày 1/1/1991, sau 3 tháng lập trình, Phòng vé chính thức khai trương sử dụng chương trình mới với một mạng 1 máy chủ Olivetti M300 và 6 máy con Olivetti PCS286 và PCS86. Lần đầu tiên, khách hàng được nhận những tờ hóa đơn và PNR do máy tính in ra. Chúng tôi kịp đưa thêm nhiều dịch vụ mới. Đầu tiên là thay máy telex bằng chương trình của Phan Minh Tâm, cho phép gửi/nhận các yêu cầu giữ chỗ qua SITA từ bất kỳ máy tính nào. Sau đó, theo yêu cầu của chị Hòa phó phòng, chúng tôi thiết kế một chương trình kiểu như Queue Management cho phép theo dõi tình trạng làm việc của từng máy để bảo đảm phân khách tối ưu.

Tuy nhiên đời thực không như mơ. Chạy được quãng 1 tháng, chương trình giở chứng thỉnh thoảng lại treo cứng toàn mạng. Chỉ có cách tắt tất cả máy đi bật lại mới hết. Cử luôn Trần Ngọc Trí ngồi làm việc ngay tại 1A Quang Trung lo việc “xử lý sự cố”. Hôm 2 Tết Âm lịch năm 1991, phòng vé đóng cửa chưa tiếp khách, tôi buồn tình xông ra đó ngồi, bật mạng lên hy vọng kiếm được cái gì đó không bình thường. Đúng là gái có công, chồng chẳng phụ, hóa ra là trong file config.sys đều specify IRQ=2 là default lúc cài đặt cho máy XT, mà các máy chúng tôi cài ở phòng vé lại là AT286. Chỉ cần đặt lại IRQ=3, quả nhiên sau đó lỗi treo vô duyên đó biến mất.

Cùng thời gian chúng tôi thực hiện chương trình ở phía Bắc, các đồng nghiệp ở AppInfo cũng thực hiện chương trình tương tự ở Phòng vé Phía Nam. Đội AppInfo lúc đó có anh Khúc Trung Kiên (sau là giám đốc đầu tiên của FPT India), anh Trường, anh Tâm. So với phòng vé Hà nội, thì chương trình phía Nam có đơn giản và dễ sử dụng hơn hẳn. Lý do chính theo tôi là nhờ các bạn đã khảo sát chi tiết các phòng vé của các Hãng nước ngoài tại HCM, điều mà chúng tôi đã hoàn toàn bỏ qua. Có vô khối những vấn đề tưởng như là vụn vặt nhưng với một quy mô giao dịch lớn lại trở nên vô cùng quan trọng, chẳng hạn việc sử dụng menu hay dòng lệnh, việc chặt các chặng bay riêng rẽ hay lưu trữ thống nhất. Còn chúng tôi thực chất chỉ tự động hóa đúng quy trình bằng tay hiện có của các nhân viên bán vé cũ mà không phải đưa ra quy trình mới trên máy tính.Dù sao trong suốt hơn 1 năm hoạt động, Phòng vé 1A Quang Trung đã là trường học lớn của chúng tôi về việc ứng dụng tin học vào cuộc sống.

Nhưng có lẽ đề án Tin học hóa Ngân hàng Hàng hải là đề án lớn nhất về quy mô, nhanh nhất về thời gian triển khai và hiệu quả nhất cả về kinh tế, hiệu dụng cho Ngân hàng và đào tạo cán bộ của FPT. Và là quyết định đường lối phát triển công nghệ của FPT.Lúc đó là vào khoảng đầu năm 1991. Trương Gia Bình gặp được anh Chu Quang Thứ lúc đó đang là Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hàng hải. Cả hai đều là những người quyết đoán và mộng mơ nên đã nhanh chóng thỏa thuận được về việc FPT sẽ giúp MSB (lúc đó mới chỉ tồn tại trên giấy tờ) tin học hóa toàn bộ các nghiệp vụ của mình (cũng chỉ mới có trong đầu a Bình). Đổi lại FPT sẽ có 5% cổ phần và được góp 5% cổ phần nữa trong tổng số x tỉ đồng vốn đăng ký của MSB. Cho đến tận bây giờ, đây vẫn là hợp đồng có một không hai của FPT.

NgọcBQ, gọi tôi ra ngoài hành lang thì thầm: “FPT đã đạt được thỏa thuận với Ngân hàng Hàng hải. Về mặt kỹ thuật nhóm Lộc-Đồng-Châu trong HCM sẽ đảm đương. Tuy nhiên với FPT, Ngân hàng là một hướng đi chiến lược, Công ty muốn em xông vào.”Chẳng có lý do gì để từ chối, tôi về nhà tắm rửa sạch sẽ, chay tịnh để vào trận chiến mới. Phải nói là cũng hồi hộp vì trước đó tôi hoàn toàn không có khái niệm i-tờ gì về ngân hàng cả. Đề án ở HKVN cho thấy việc thiếu hiểu biết cặn kẽ về nghiệp vụ có thể dẫn đến những hậu quả như thế nào. Trước mắt là chuyến đi thụ giáo vào HCM để gặp nhóm các đàn anh Lộc-Đồng-Châu, chuyến công tác xa đầu tiên của tôi. Nếu không kể những chuyến xuống Hải phòng để áp tải sắt thép do đổi máy tính Olivetti mà có.

Lại nói về bộ ba: Lê Tấn Lộc (hiện là giám đốc FiBI), Hoàng Minh Châu (giám đốc FPT-HCM) và Ngô Vi Đồng (Giám đốc HiPT-HCM). Các anh chơi với nhau đã lâu. Lúc đó anh Lộc là trưởng phòng kỹ thuật của Trung tâm máy tính Ngân hàng Công thương HCM (ICB-HCM). Anh chính là người khởi xướng và điều hành việc vi tính hóa các hoạt động của ICB-HCM từ năm 1988. Thời gian đầu, anh đã mô phỏng các hoạt động của mạng bằng cách copy đĩa mềm chạy từ máy nhân viên sang máy giám đốc. Anh và anh Đồng cũng là những người đầu tiên đưa mạng LAN chạy trên Netware 2.11 vào hoạt động năm 1989. Anh Châu lúc đó cũng đã nổi tiếng là một tay bán font chữ Việt và thầy dạy máy tính cho các học viên mà bây giờ đều đang ở chức vụ cao cả…

Bộ Tam này có một tài uống bia hết sức đáng nể. Lần đầu tiên đi theo các anh từ 7h tối đến 11h00, thấy lục tục đứng lên tôi mừng quýnh. Ai ngờ các anh chuyển sang quán khác để thay đổi khung cảnh. Vì là đi thụ giáo, nên tôi cũng sẵn lòng đi theo. Buồn cười nhất là tự nhiên tôi trở thành ma bia rượu dưới con mắt của Mr.Lộc. Chẳng là anh không thể hiểu được có thằng không uống mà lại mất công đi khuya như vậy. Do đó anh kết luận là chắc tôi cũng uống như điên, có điều anh hơi xỉn nên không nhận thấy. Thậm chí anh còn thông báo với 1 số bạn bè: “Thằng Nam uống được lắm” làm tôi cũng có lúc lấy làm hãnh diện lắm.

Để bắt đầu việc học tập, tôi được anh Lộc đưa cho một cuốn sách: “Kế toán Ngân hàng” cũ kỹ không thể tưởng tượng, xuất bản từ năm 1966 gì đó. Cuốn sách in Roneo trên giấy đen sì đó đã cho tôi những khái niệm cơ bản nhất về các hoạt động nghiệp vụ của một ngân hàng thương mại.Sau khi liếc qua chương trình thấy cũng chỉ gồm có một ít các menu, tôi yên tâm bay ra, thông báo với các sếp là có thể bắt đầu dự án.Anh Chu Quang Thứ là một người cuồng tín về máy tính. Lần đầu tiên được gặp anh, thấy anh đang chăm chú debug một chương trình, tôi và anh Ngọc đã không tin vào mắt mình.Cũng nhờ có chỉ thị của anh “Tôi muốn tất cả những báo cáo của Ngân hàng đều được in ra bằng máy tính, ngay từ ngày đầu” mà cái thằng tôi, đang võ vẽ về Ngân hàng với Mr. Nguyễn Hữu Đức, thậm chí còn ậm ờ cả về máy tính giữ được cho toàn bộ hệ thống hoạt động. Khi đó văn phòng của anh cách Ngân hàng khoảng 500 mét. Anh chỉ thị phải thường xuyên có số liệu trên máy. Nhờ sự nỗ lực của Hùng xoăn, máy của anh được cài đặt remote workstation và hàng ngày download dữ liệu về. Anh thường xuyên ra quyết định dựa trên các thông tin có trong máy của mình.

Có lần chương trình lỗi cập nhật số dư không chính xác, bị chuyển tiền sai, khách hàng kiện, chúng tôi lo lắm. Gặp anh, anh chỉ cười: “Cái gì mới mà chẳng sai, các em cứ thế mà làm”. Nhờ có lãnh đạo như vậy, hệ thống tin học của Ngân hàng Hàng hải đã phát triển khá nhanh trong một thời gian ngắn. Những bài toán mà các Ngân hàng khác hiện vẫn đang đau đầu như thanh toán tập trung, quản lý và điều hòa vốn, báo cáo toàn ngân hàng, đã được giải quyết tại NHHH từ lâu. Có người nói là tại Ngân hàng có quy mô nhỏ. Tôi thì tin chắc rằng vì họ có một người lãnh đạo như anh Thứ: quyết đoán, có yêu cầu rõ ràng và tôn trọng chất xám.

Chương Hàng hải cũng là một chương quan trọng trong lịch sử phần mềm của FPT. Nguyễn Khắc Thành (giờ là hiệu trưởng Đại học FPT) bám trụ lâu nhất, tổng cộng có đến 6 tháng. Hàng ngày ở Nhà khách Thương nghiệp 15000đ/phòng, ăn cơm quán em Thắm, theo lời kể khi cảm động thường bế bổng anh Thành lên lòng. Tôi rất khoái món bánh đa cua Hải phòng, 700đồng/bát.

Sau một loạt các hợp đồng ứng dụng thành công, ISC đứng trước lựa chọn mới. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu, hướng tới các mục tiêu dài hạn theo chủ trương của anh Công và chỉ thị của gs Vũ Đình Cự hay tìm cách ứng dụng ngay lập tức, không quá quan tâm đến công nghệ mà anh NgọcBQ theo đuổi.

Cuối cùng, quan điểm “Công nghệ cao là công nghệ có thể ứng dụng được ngay” của anh Ngọc đã thắng thế. Và nó cũng chi phối toàn bộ quan điểm về công nghệ của FPT cho đến bây giờ. “Siêu máy tính” chính thức bị xếp xó.

Câu chuyện 2: Đội tuyên truyền công nghệ

Như trên đã nói, sau thành công tại Ngân hàng Hàng hải, nhóm chúng tôi tiếp tục triển khai ở nhiều ngân hàng khác, đặc biệt là các ngân hàng đầu tư từ nước ngoài. Cụ thể là VID-Public Bank là liên doanh giữa Public Bank Malaysia với Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, sau đó là các ngân hàng 100% vốn nước ngoài như MayBank Vietnam, Chinhfon Bank Vietnam, rồi các ngân hàng Việt Nam như ACB, TechcomBank, vào cả ngân hàng lớn như Công Thương (khi đó gọi là ICB, giờ là VietInBank), Đầu Tư (khi đó là VID giờ là BIDV). Tóm lại khá hoành tráng về khách hàng, nhưng công nghệ vẫn rất thô sơ. Vẫn là cơ chế share file dữ liệu chung của FoxPro trên máy chủ Novel. Không có mã hóa, bảo vệ tính toàn vẹn của dữ liệu, chống đột nhập, xử lý client-server…

Lúc đó Olivetti là hãng công nghệ lớn của Italia, đang là đối tác của FPT. Họ khuyến khích và đầu tư để FPT có thể phát triển các ứng dụng ngân hàng trên nền tảng của họ. Đó là hệ thống máy chủ, hệ điều hành, môi trường lập trình và các thiết bị ngân hàng đặc chủng. Chúng tôi đã thành lập một nhóm xung kích gồm Nguyễn Lâm Phương, Trương Đình Anh và Nguyễn Khắc Thành.

Nguyễn Lâm Phương, tốt nghiệp Đại học Năng lượng Matxcova, về nước tham gia nhóm phần mềm FPT từ năm 1993. Ham đọc sách, nắm vững khái niệm nhanh, thích tìm tòi về hệ thống. Phụ trách các máy chủ LSX và cơ sở dữ liệu của Olivetti

Trương Đình Anh, bỏ học Đại học KTQD, chuyển từ Ngân hàng Công thương sang nhóm phần mềm FPT năm 1992, một cao thủ về lập trình, nắm vững các kỹ thuật truyền tin qua mạng, phụ trách môi trường phát triển PB (Platform for Banking) và điều khiển các thiết bị như Passbook Printer (máy in đặc dụng in sổ tiết kiệm), hay các đầu đọc thẻ, lúc đó được coi là siêu hiện đại.

Nguyễn Khắc Thành, tốt nghiệp PhD Đại học Tổng hợp Matxcova, gia nhập nhóm năm 1991. Chuyên gia về các vấn đề nghiệp vụ của ngân hàng.Nhóm này có thể gọi là “Đội tuyên truyền công nghệ Ngân hàng”. Bất cứ nơi đâu, họ chỉ cần 15’ để packing toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị, và có thể triển khai trình bày demo ngay khi đến chỗ khách hàng. Tất nhiên là sau khi khách hàng “choáng” đồng ý ký hợp đồng, thi chúng tôi lại triển khai chương trình SIBA quen thuộc, dễ dùng trên FoxPro

Năm 1995, đội “Tuyên truyền Công nghệ” đã lập được thành tích vang dội. Số là khi đó một ngân hàng lớn của ta quyết định mua phần mềm của một hãng nước ngoài. Nhìn cuốn sách Operation Manual của họ là chúng tôi đã thích mê. Qua khách hàng, chúng tôi “ép” được họ phải huấn luyện cho nhân viên của mình cùng tham gia dự án. Sau khi hợp đồng được ký kết. Sau một bữa ăn gà no nê tại Hồ Tây, đội TTCN do Lâm Phương chỉ huy được cử sang nước bạn, với nhiệm vụ học gì thì học, nhưng copy bằng được thiết kế dữ liệu của họ mới được về. Được mấy hôm, anh em báo vế ngao ngán, hóa ra máy của họ là máy thế hệ lớn của IBM, làm gì có ổ đĩa mềm mà copy. Tôi cũng nản, thôi kệ, học được cái gì hay cái nấy.

Ai ngờ tuần sau thấy cả đoàn hồ hởi về, bảo nhiệm vụ xong rồi. Hóa ra là bạn cẩn thận, đã sao chép toàn bộ thiết kế dữ liệu ra giấy. Anh em phát hiện ra, lẻn mang về mỗi hôm một ít, rồi mang ra phố photocopy. Với bản thiết kế “Tây” có được, chúng tôi quyết định đập SIBA đi xây lại trên nền tảng client-server và CSDL quan hệ của Microsoft, đặt tên là SmartBank.

Thời đó, mỗi buổi họp, ngay cả nhân viên mới cũng phải đứng lên chứng minh là mình chuyên gia về một môn gì đó. Tôi nhớ nhất có sinh viên Phan Văn Hưng, mới ra trường, đứng lên xưng mình là số 1 về Lotus Notes, chẳng qua vì trong công ty không có ai biết. Một phần vì khẩu khí đó của Hưng mà sau này chúng tôi mới dám nhận dự án Petronas (sẽ được kể dưới đây).

Tinh thần: ai cũng là cán bộ công nghệ, ai cũng phải đọc sách, ai cũng phải đi hội thảo này đã thành DNA của FSS và sau này là của Fsoft. Trong cuộc khám phá công nghệ mới này, không ai có đủ trình độ để dẫn dắt cả. Mỗi người sẽ phải tự tìm đường đi cho mình. Trên con đường đó, chúng ta sẽ tiếp tục vận dụng đường lối của cha ông: lấy vũ khí địch, đánh địch!

Câu chuyện 3: Lấy vũ khí địch đánh địch

Trận ProxiGateNhư đã miêu tả trong chương 6, Proximus giao cho team của Werner (tức là chúng tôi) dự án ProxiGate với 3 thách thức về mặt kỹ thuật:– Ngôn ngữ Java– Hệ điều hành Solaris và– TIBCOTrong đó món xương nhất là TIBCO, chưa ai nghe thấy bao giờ. Đây là một nền tảng trung gian, tiếng Anh gọi là middle ware, giúp cho các ứng dụng có thể gửi trực tiếp thông điệp cho nhau để phối hợp hoạt động. Bây giờ gọi là Microservice Architecture. Bản thân TIBCO cũng mới ra đời trước đó hai năm, nên có thể nói ngay ở trên thế giới cũng chưa có nhiều người có kinh nghiệm.

Lâm Phương được phân làm Project Manager – PM, chịu trách nhiệm chính về tìm hiểu môn này, còn Teamlead là HoaNQ lo học Java. Phương kể lại, tài liệu duy nhất mà anh có là cuốn “Rendevouz” tạm dịch là “Nhập môn”, mà lại là bản miễn phí. Cũng nhờ trước đó đã có kinh nghiệm với các loại “enterperise message” của MSMQ trong dự án LifeServ, nên anh đã xoay xở tìm hiểu, hướng dẫn cho cả team cách hoạt động của hệ thống và triển khai POC trên môi trường thật thành công dưới sự ngỡ ngàng của chính những người trong cuộc

Anh đúc kết lại kinh nghiệm: đọc sách, phổ biến cho anh em, code, triển khai, rút kinh nghiệm và lại đọc sách tiếp. Sau này, nhờ có sự va chạm với các cô osin ở Đài Loan (được nhắc đến trong chương 1), chúng tôi mới hiểu năng lực đọc nhanh, là thế mạnh cốt lõi của các ltv Việt Nam.Điều đặc biệt thú vị nữa là trong cuốn “Võ Nguyên Giáp – Chiến tranh nhân dân” của Gerald Lê Quang, tác giả đã viết về đại tướng như thế này: “Võ Nguyên Giáp tối đọc binh thư, sáng hôm sau đánh trận, và chiều hôm sau rút kinh nghiệm”. Có lẽ tinh thần của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã bằng cách nào đó truyền đạt được đến FPT. Điều này sẽ được bàn luận kỹ hơn trong phần kết của cuốn sách này.

Cũng từ dự án này, chúng tôi học được cách lấy vũ khí địch đánh địch. Số là thời đó, IBM đang cổ súy cho một ngôn ngữ thiết kế phần mềm có tên là UML – Unified Modelling Language. Thấy khách hàng quan tâm, anh em tự xưng là chuyên gia và sẵn sàng làm seminar cho bạn. Lâm Phương kể lại, trên máy bay anh và anh em mới cày tài liệu như điên để kịp trình bày. Hai năm sau, anh còn được một tập đoàn công nghệ lớn của Nhật Bản mời làm seminar ở Tokyo, có livestream (thời đó còn đắt đỏ lắm) cho hàng trăm kỹ sư từ các chi nhánh của bạn. Oai như cóc.

Một vũ khí nữa mà chúng tôi “đoạt” được là Skype, phần mềm messaging đầu tiên sử dụng cơ chế peer-to-peer nên khắc phục được tốc độ kết nối rất thấp lúc đó. Chúng tôi phổ cập trong Fsoft và thuyết phục các khách hàng khó tính khác, nhất từ bỏ dần email và nhất là điện thoại (lúc đó còn khá thông dụng), các bác Nhật thậm chí vẫn còn viết thư giấy, rất tốn kém cho chúng tôi vì phí điện thoại cao vật vưỡng. Các account skype đầu tiên đó đều bắt đầu bằng fsoft_

Là dự án phức tạp nhất trong giai đoạn đầu phát triển của Fsoft. Thứ nhất là về quy mô, phải triển khai cho hàng chục ngàn nhân viên của Petronas ở các chi nhánh trên khắp đất nước Malaysia. Thứ hai là về loại hình: Fsoft là nhà thầu chịu trách nhiệm chính, quản lý các nhà thầu phụ là IBM, Microsoft và Mesianaga (một công ty tích hợp lớn của Malaysia), và là dự án tính tiền trọn gói, xong sớm thì nghỉ sớm. Thứ ba về kỹ thuật, đây là dự án chuyển đổi hơn 10,000 ứng dụng từ Lotus Notes vốn được triển khai phân tán, sang nền tảng tập trung của Microsoft Exchange, vũ khí mới để tấn công vào thị trường doanh nghiệp của Microsoft. Lotus Notes thì như ở trên nói, có team của HungPV biết. Còn Exchange thì ngay với MS cũng là sản phẩm mới.

Một lần nữa Lâm Phương được cử làm PM của dự án then chốt này. Các tướng giỏi nhất đều được cử ra trận. LamNT chỉ huy hơn 100 quân onsite. KienKT quản lý phân xưởng đúc “vũ khí” là các công cụ và các trung tâm lập trình chính ở cả 3 miền. AnhHV phụ trách quan hệ với đối tác, được gọi là Engagement Manager. Chánh văn phòng HoaNTT phụ trách hậu cần. HoanNK bảo đảm cấp đạn (money) và một lần nữa giám đốc đào tạo DatPP được điều ra trận.

Số là, sau khi kế hoạch dự án đã được thỏa thuận giữa các bên và hợp đồng chuẩn bị ký, thì giám đốc MS khu vực hốt hoảng gọi cho tôi. Một nhà thầu Malaysia “dỗi” vì phải làm thầu phụ cho Fsoft, đã bỏ cuộc. Ông hỏi, chúng mày có nhận phần việc đó được không? Tôi hỏi: là phần gì vậy? Là “change management”. Bỏ mịa, chưa nghe thấy loại việc này bao giờ. Nhưng bao nhiêu tiền? Úi giời, gần 1 triệu đô à. Vậy thì bọn tao nhận ngay. Giám đốc MS thở phào nhẹ nhõm. Vị vụ này ông ta là có lợi nhất vì vừa bán được mấy chục triệu đô license vừa được vinh danh là đánh đổ thành trì lớn nhất của IBM ở Đông Nam Á.

Vì chưa ai hiểu “change management” là cái gì và nó đóng vai trò gì trong dự án này, nên như thông lệ, DatPP được giao nhiệm vụ đọc và tìm hiểu, lập kế hoạch. Hóa ra đó là việc chuẩn bị cho users những kiến thức về môi trường mới, bao gồm cả những thách thức và rủi ro ban đầu mà họ phải đối mặt. Đội triển khai chính là em PhuongNTD lúc đó mới vào công ty, dưới sự hướng dẫn của KienKT, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Quá ngưỡng mộ chị em phụ nữ Việt Nam.

Qua dự án này, chúng tôi hiểu ra rằng, bất cứ một sự thay đổi nào cũng phải dành một nguồn lực đáng kể, để chuẩn bị cho những người bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi đó. Vũ khí “Change Management” này sau đó được sử dụng thường xuyên và lần nào cũng mang lại hiệu quả. Thậm chí là trong mấy lần thay đổi lãnh đạo ở Fsoft/FPT, sẽ được nhắc đến trong chương 15. Đáng tiếc là ngay cả bây giờ cũng hiếm thấy dự án lớn về IT nào ở Việt Nam có cấu thành này, mà nếu có thì cũng chỉ là sơ sài chứ ko phải triệu đô như dự án Petronas.

Dự án này được Petronas đánh giá là dự án IT đầu tiên của họ hoàn thành đúng tiến độ. Microsoft khu vực được vinh danh. Tên tuổi của FPT bay đến tận Redmond và Fsoft được mời làm một trong những đối tác chính của chiến dịch GNC – Global Note Compete của MS. Bill Gates khi đến Việt Nam năm 2007 đã viết “Thank you FPT staff” trong bức ảnh chụp với chủ tịch Bình.

Đáng nói, là Cụ “Joe” – Joseph Heatcot, người đã nâng đỡ và support chúng tôi trong suốt quá trình dự án này đã kể lại với tôi: “Tao ấn tượng nhất với chúng mày, khi sang Việt Nam đánh giá phần mềm mà chúng mày làm cho VID-Public Bank từ năm 1993. Không phải vì phần mềm, mặc dù nó cũng khá đấy. Mà vì chúng mày đóng trên tầng 2 của một trường phổ thông. Khi tao đến, đúng giờ ra chơi. Bọn trẻ con ùa ra, những gương mặt thiên thần, rạng rỡ. Tao tin vào tương lai của Việt Nam.” Khi chúng tôi khai trương chi nhánh Singapore, Cụ Joe đã đến và phát biểu với quan khách: “Trust Nam’s team. They never let you down.”Một lần nữa, Việt Nam đã nâng bước cho chúng tôi.

Năm 2005, lần đầu tiên Fsoft có một chiến lược chủ động về công nghệ, thay vì đợi khách hàng đến yêu cầu mới há hốc mồm nghe rồi vội vội vàng vàng đi đọc sách. Số là lúc đó hay đi Nhật, mới phát hiện ra là “tổ con chuồn chuồn” những công ty lớn nhất của Nhật được gọi là “Maker”, tiếng Nhật vẫn giữ nguyên, hay là các nhà sản xuất. Đây mới là thị trường lớn và đang thiếu nhân lực. Có điều muốn vào được thì phải nắm được một công nghệ gọi là “ES – Embedded System”. Với những anh em chuyên làm FoxPro, mới chuyển sang Java, lập trình theo kiểu event-driven thì đó là một chân trời xa lạ. Nhưng kệ, chắc cũng dễ hơn học tiếng Nhật hay đọc sách về ngân hàng bảo hiểm. Nghị quyết: phải nghiên cứu về ES.

Trời thương, thế nào lúc đó có 1 ông tiến sĩ đang làm việc cho Motorola Lab ở Singapore, chán việc bỏ về Việt Nam. Tiến sĩ tên là Nguyễn Quốc Khánh. Qua ai đó giới thiệu tôi cũng không nhớ nữa, anh Bình dẫn Khánh sang chỗ chúng tôi. Hai bên ôm chầm lấy nhau. ES Lab ra đời, với mục tiêu sản xuất phần mềm nhúng làm chủ các sản phẩm điện tử.

Thật là kỳ diệu, với khoản đầu tư vẻn vẹn $1000 (theo trí nhớ của Lâm Phương, người ký duyệt), và đội ngũ nhân viên mới tập hợp, trong đó đa phần là sinh viên năm thứ 3 của DHBK Hà Nội có kinh nghiệm tham gia vào các cuộc thi Robocon của VTV, Khánh đã cho ra đời những sản phẩm, tuy là thô sơ, nhưng có khả năng trình diễn. Những sản phẩm POC (Proof of Concept).

Tôi nhớ rất rõ 2 sản phẩmMột chiếc MP3 player bỏ túi có thể chơi nhạc. Khá hot với khi đó vẫn là thời của walkman và mới bắt đầu iPod.Một bo mạch, có thể tự phát hiện ra mình bị nghiêng đi và nhấp nháy một dòng chữ có thể lập trình được.

Sản phẩm đầu tiên đã giúp chúng tôi có được những hợp đồng đầu tiên với Panasonic. Chúng tôi được làm quen với khái niệm QCD của các nhà máy Nhật, được dự các buổi review, kiểm điểm trong đồng phục công nhân. Cho đến bây giờ Panasonic vẫn là một trong những khách hàng lớn nhất của Fsoft, đào tạo rất nhiều các thế hệ kỹ sư ES. Tôi nhớ có lần mời ăn tối CTO của Panasonic ở nhà hàng Sen Nguyễn Du, ông đã bảo tôi: chúng mày sáng dạ, sao không tự chế ra một cái hệ điều hành, mà lại ăn theo bọn Microsof. Theo tiêu chuẩn của bọn tao, Windows là một mớ hổ lốn, không thể gọi là hệ điều hành được

Sản phẩm thứ hai, mặc dù còn rất thô sơ, đã góp phần mở đường cho chúng tôi vào ngành “automotive semiconductor – bán dẫn ô-tô”, khi hiện dòng chữ “Welcome Mr Michelle Myaer”, lúc đó là CEO của Freescale đến thăm Fsoft, bởi vì đó là sản phẩm duy nhất có cái gì đó liên quan đến chuyên môn của khách. Mặc dù sau đó khi kỹ sư của bạn tên là Robert, sang phỏng vấn lập trình viên của ta phải than thở với tôi: “Nam, mặc dù trước khi sang đây, tao đã nghĩ là chúng mày không biết gì, nhưng hóa ra là chúng mày đek biết gì thật.”, đội dự án Freescale và sau đó là NFX đã một lần nữa chứng minh rằng, khi được cho cơ hội, các kỹ sư Việt Nam có thể làm chủ được những công nghệ khó khăn nhất. Một phần của những con người ban đầu đó, đang tự hào được tham gia vào thiết kế những chiếc ô-tô điện đầu tiên của Việt Nam mang nhãn hiệu Vinfast.

Tiện kể câu chuyện “nhằm rau gắp thịt” liên quan đến xe tự lái. Thời đó, thấy Fsoft công bố chiếc xe tự lái chạy lông nhông trong khuôn viên F-Town ở khu công nghệ cao Tp HCM, anh em báo chí “hóng” ghê lắm, tưởng đâu FPT sẽ dẫn dắt Việt Nam tham gia cuộc chơi mới. Ai ngờ lúc đó, ông em tôi ngồi Hòa Lạc rung đùi khoe, con xe đó đầu tư có mấy chục ngàn đô, mua model, mình code thêm tí chút, giờ em thu cả chục triệu tiền từ dự án xe tự lái của LG. Vow, chú lấy đâu ra người mà làm được hay thế? Em đâu có code, em làm data labelling thôi, đại khái là dạy cho xe biết, cái này là cột điện, còn chỗ kia là con bò. Ai làm chẳng được.

Sau thành công của ES Lab, một tổ chức mới được hình thành ở Fsoft có tên là Lab, và có thể đặt trong bất cứ một đơn vị sản xuất nào. Nhiệm vụ của Lab là phải theo dõi các xu hướng công nghệ mới và nhanh chóng tạo ra các sản phẩm POC, có thể giúp đơn vị thương mại hóa bằng cách thâm nhập vào các tập đoàn lớn. Nổi tiếng nhất có lẽ là Vision Lab của giáo sư Từ Minh Phương từ Học viện BCVT.

Nguyễn Quốc Khánh sau đó rời FPT, có lẽ vì anh thấy sân chơi quá nhỏ. Anh chuyển sang phụ trách CNTT cho Ngân hàng, nơi bắt đầu xuất hiện rất nhiều công nghệ mới. Giờ anh là CIO của Ngân hàng Hàng hải, người quen cũ của FPT.

Bình luận: FTS và những cơ hội bị bỏ lỡ

Trên đời, cái gì cũng có hai mặt của nó. Học nhanh thì không kịp học sâu. Và thực dụng thì sẽ thiếu đi sự lãng mạn. Và đó là lý do tuy kiếm tiền rất tốt, Fsoft vẫn thèm khát những công nghệ của chính mình. Và tiếp tục bỏ lỡ những cơ hội.

Trong lần đầu tiên sang thăm Ấn Độ, tôi còn nhớ các bạn Ấn Độ đã dặn, mày phải nhớ là trong ngành Outsourcing này, với mỗi đô la giấy mày kiếm được, mày còn học được 5 đô la tri thức nữa. Đó cũng là ý tưởng chính của bài trình bày “Thác số – Cầu vượt” mà BinhTG chuẩn bị khi sang Nhật. Với tri thức thu được trong việc cọ sát với các công ty hàng đầu thế giới, chúng tôi sẽ xây “cầu vượt” để giúp Việt Nam nhanh chóng tiếp cận thế giới.

Năm 2010, tôi nghĩ đã đến lúc bắt đầu xây Cầu vượt.Phạm Minh Tuấn, là PM đầu tiên của FPT India, lúc đó đang là giám đốc Fsoft HCM, rất chia sẻ quan điểm này. Anh đã đề xuất với tôi lập ra Fsoft Technology Solution – FTS, với ý tưởng là áp dụng các công nghệ và phương pháp học được ở nước ngoài trong quá trình toàn cầu hóa, để giải quyết vấn đề của Việt Nam. Idea là mình sẽ dùng thị trường lớn và đội ngũ kỹ thuật tại chỗ đông đảo để tìm đối tác, đàm phán đổi công nghệ và cùng hợp tác kinh doanh. Sự trưởng thành của Fsoft trên trường quốc tế, giúp tôi tự tin là có thể tìm được đúng đối tác và đàm phán được những điều kiện có lợi cho mình.

Đích thân Tuấn đứng ra làm giám đốc FTS, để bảo đảm có được những nguồn lực tốt nhất. FTS đã có những dự án rất hứa hẹn, nhưng đáng tiếc là không đi được đến cùng, trong đó có một phần lỗi lớn của tôi.

Neusoft và bệnh viện triệu bệnh nhân

Một trong những “ông kẹ” Trung Quốc thường được các công ty Nhật đem ra dọa bọn tôi, đó là công ty Neusoft. Gì cũng làm được, năng suất cao, mà giá cả hợp lý. Nên khi nghe tin CEO của họ là Dr Lưu Trí Nhân có kế hoạch đến thăm văn phòng Fsoft HCM là tôi phải vào diện kiến bằng được. Quả nhiên là hai anh em nói chuyện rất hợp vì cùng là dân academic (ông sinh 1956, có bằng PhD về Vật lý) bị thời thế đẩy ra khởi nghiệp. Trên đường đi ăn, ông đề xuất luôn: tao đang có kế hoạch, chuyển từ IT sang Medtech. Mày có muốn cùng nhau xây 1 cái bệnh viện có thể xử lý được một triệu bệnh nhân không? Công nghệ bây giờ có thể khả thi. Bọn tao nắm được. Chúng ta cùng lúc thử nghiệm ở 2 nơi: Thẩm Dương quê tao và Việt Nam. Tôi thích ngay. Y tế là lĩnh vực mà tôi tin là công nghệ có thể thay đổi cục diện và Việt Nam đang rất cần.

Tôi và Tuấn lên đường sang Thẩm Dương thăm trụ sở của Neusoft và bàn kế hoạch cụ thể. Phương án của Dr Lưu nhằm tận dụng lợi thế là Neusoft có thể sản xuất được các thiết bị telemedicine với giá rẻ (thời đó bác đã cho tôi xem smartwatch với giá có $25), để theo dõi sức khỏe của bệnh nhân sớm từ tuyến thấp nhất, rồi tập trung dữ liệu về bệnh viện trung tâm xử lý. Bác còn đưa ra ý tưởng xây dựng các phòng khám chi nhánh khắp nơi, tự động hóa cao, kiểu như các cụm ATM hoặc eBank của ngân hàng bây giờ, để người dân có thể tự kiểm tra sức khỏe.

Ở Thẩm Dương, Neusoft sẽ tiến hành một mình. Ở Việt Nam sẽ lập liên doanh với Fsoft chiếm 60% và sở hữu IP. Tuấn thích lắm vì y tế cũng là đam mê của anh. Để khắc phục việc Fsoft không có kinh nghiệm y khoa, Tuấn đã đưa lãnh đạo của bệnh viên Đại học Y thành phố HCM sang thăm Neusoft, nghe kế hoạch và thuyết phục họ vận hành bệnh viện trung tâm trong mô hình này.Mọi việc có vẻ thuận, cho khi TGB dẫn đoàn sang đánh giá trực tiếp. Lúc đó tôi đang ở Nigeria thúc đẩy dự án “second homeland” của FPT. Sau đó Tuấn thông bảo FPT quyết định hủy dự án này vì sợ những rắc rối chính trị liên quan đến liên doanh với công ty Trung Quốc.Tôi cũng không rõ đó đúng là lý do hay không. Nhưng dù sao tôi đã không có mặt ở thời điểm quan trọng nhất và có lỗi lớn khi đã không giữ được cam kết của mình với đối tác.

Năm 2018, khi đó Tuấn đã là CEO của Fsoft, tôi cùng Tuấn và mấy anh em lãnh đạo Fsoft sang lại Thẩm Dương để thăm lại bác Lưu, và cũng xin lỗi vì đã không đẩy dự án đến cùng. Dr Lưu tiếp chúng tôi rất nồng hậu, không hề nhắc lại chuyện xưa. Dự án có tên là Khang Hy mà lúc đó bác khởi xướng giờ đã có 34 triệu “bệnh nhân”, cung cấp dữ liệu cho Neusoft Medical tìm cách chữa bệnh tốt nhất. Tôi hỏi bác đã chi hết bao nhiêu? Bác nói đã chi hết 1B tệ, nhưng mới bán lại 25% cho một quỹ đầu tư rất lớn của Mỹ thu được 1.5B. Và lại miệt mài nói về việc tích hợp các ứng dụng chẩn đoán dựa vào dữ liệu có được vào các máy chụp chiếu của Neusoft. Còn chúng ta thì vẫn đang dậm chân tại chỗ, tìm cách in hóa đơn cho đúng form.

Đối với cá nhân tôi, Dr Lưu đã giúp tôi tìm được nơi xuất phát của môn phái của sư phụ Kao, ở núi Y Vũ Lộc Sơn. Ông cũng đã vui lòng nhận và cho con gái tôi một chỗ làm việc, để nó thỏa ước mơ cho con vào nhà trẻ TQ và được sống như một người dân TQ bình thường. Vợ chồng tôi vẫn tha thiết được đón vợ chồng ông sang Việt Nam như một khách du lịch.

Tôi có quen một ông em. Cũng tiến sĩ Toán, học ở Odessa (Ukraine) nhưng từ hồi sinh viên đã kiếm được tiền từ lập trình. Ông em rất giỏi về thuật toán. Bài toán đầu tiên mà ông em giải cho một nhà máy giày ở U là tối ưu việc cắt đế giày từ những tấm da, bằng cách mô hình hóa một thuật toán khá đơn giản mà sinh viên ai cũng biết: đó là muốn lấy được lạc ra khỏi muối lạc thì phải lắc, càng lắc lâu lắc khéo, sẽ càng nhặt được nhiều lạc. Về nước ông em khởi nghiệp, sau đó được các đại gia đầu tư, đánh sang thị trường Mỹ, nghe nói rất thành công, tôi cũng không để ý lắm.Năm 2009, ông em tự nhiên gọi cho tôi. Bảo em thấy thèm được như bọn anh, được xây dựng sự nghiệp và đóng góp cho Việt Nam. Em mới nghĩ ra một thuật toán này muốn hợp tác với bên anh. Thế là hai anh em gặp nhau. Ông em đang là CTO của một công ty khá nổi tiếng ở Mỹ trong lĩnh vực nhận dạng hình ảnh, đặc biệt thành công trong việc nhận dạng biển số xe mất cắp và kiểm thử các bo vi mạch.

Ông em nói, chỉ vài năm nữa thế giới sẽ phát sốt với việc nhận dạng hình ảnh và đặc biệt là khuôn mặt, và em đã tìm ra thuật toán đơn giản để giải quyết bài toán mà các ông lớn cũng đang chạy đua để giải quyết. Muốn cùng chúng tôi tìm cách thương mại hóa sản phẩm đó. Tôi đã quyết định mua 30% cổ phần của công ty mới do ông em và mấy người bạn làm ra để có thể sở hữu mã nguồn cũng như được sự hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp từ em. Việc làm chủ công nghệ và tìm ứng dụng được giao cho nhóm của LinhTT, cũng thuộc FTS của Tuấn quản lý. Những camera nhận dạng mặt đầu tiên xuất hiện ở Ftown và sau đó là một số cửa hàng của Fretail, tuy chưa thật sự chính xác, đã tạo nên bao ố, á. Tuy nhiên sớm nở, tối tàn. Sau khi FTS được chuyển về FIS và chịu các KPI như doanh thu lợi nhuận, không ai còn động lực để tìm hiểu và nắm bắt công nghệ lõi. Nhất là sau khi các ông lớn bắt đầu đưa ra FaceID. Lại quay về thói quen cũ, học dùng API để làm demo và nhanh chóng bán hàng.

Gần 10 năm sau, ông em bảo, cho xin số tài khoản. Công ty mà chúng tôi tham gia đã phát triển, nhưng vi không theo các vòng gọi vốn sau, nên số 30% giờ còn lại bé tí. Tuy nhiên exit ra vẫn có lời chút đỉnh.

Với sự ra đời của CCCD gắn chip và trào lưu tích hợp FaceID vào các dịch vụ công như hiện nay, việc làm chủ được thuật toán và dữ liệu nhận dạng khuôn mặt không phụ thuộc vào công nghệ của các hãng nước ngoài, mà có thể vì lý do địa chính trị, ngày mai trở thành quốc gia thù địch, vẫn đang rất nóng bỏng. Và FPT vẫn đứng ngoài cuộc như thường lệ Đó cũng là một điều đau xót.

Fsoft, cũng như các công ty công nghệ Việt Nam khác cần hành xử thế nào với xu hướng AI đang ngày càng trở nên rõ nét?Cần một đầu tàu dẫn dắt, kiểu như Chief AI Officer?Chi tiền cho các Viện nghiên cứu như Mila, hay VinAI và hy vọng sẽ có những startup đột phá?Hay vẫn võ cũ, phát động “chiến tranh nhân dân”, ai có súng dùng súng, ko có súng thì cuốc, thuổng gậy gộc, miễn thu được tiền từ các khách hàng giàu sụ trên khắp thế giới đang phát sốt lên vì AI?